Theo tin từ Yle, tờ nhật báo lớn nhất Phần Lan, Daylight Saving Time – DST (Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày hay gọi ngắn gọn là Giờ Mùa Hè) sẽ chấm dứt vào 4 giờ sáng ngày 27.10. Vào thời điểm đó, kim đồng hồ sẽ quay lại mốc 3 giờ sáng, và du học sinh sẽ thoải mái ôm chăn ngủ thêm một giờ nữa.
Phần Lan đợt này đang độ cuối thu, lá rụng nhiều và trời bắt đầu sáng muộn, tối sớm. Hoàng hôn đã bắt đầu từ 3:30 chiều ở phía Bắc Phần Lan. Theo dự báo, vào ngày thứ 7, 27.10, tại Helsinki, mặt trời mọc vào lúc 8:27 và lặn lúc 17:45; và vào Chủ Nhật sẽ lần lượt là 7:29 và 16:38. Sinh viên lưu ý để điều chỉnh giờ trên đồng hồ và các thiết bị khác nếu chúng không tự động đổi như máy tính và smartphone. Và ba mẹ, gia đình ở nhà lưu ý thời gian liên lạc với con đang sống ở Phần Lan.
Daylight Saving Time (DST) là gì?
Giờ mùa Hè – hay còn được biết với tên DST (Daylight Saving Time) là một kiểu quy ước chỉnh thời gian theo khoảng thời gian thực tế mà trời sáng trong ngày. Với những nước áp dụng quy ước này, vào thời gian từ khoảng giữa mùa Xuân (cuối tháng 3) tới đầu mùa Đông (cuối tháng 10, đầu tháng 11), đồng hồ sẽ được chỉnh nhanh hơn 1 tiếng. Khoảng thời gian còn lại, đồng hồ sẽ được chỉnh về như cũ.
Tại sao lại phải chỉnh đồng hồ?
Khi nói về thời gian, mọi người thường hiểu theo hai khái niệm. Khái niệm thứ nhất là thời gian tính theo độ sáng của ngày. Với cách hiểu này, có thể chia ngày thành hai phần là “ban ngày”, tức là thời gian trời sáng, và “ban đêm”. Cách thứ hai để chỉ thời gian là chia ngày thành các khoảng thời gian bằng nhau, như hiện nay hầu hết mọi người đều hiểu một ngày ngày được chia thành 24 giờ.
Tuy nhiên, do bản chất vật lý (trục của Trái Đất lệch một góc 23,5 độ), giữa các mùa khác nhau thì khoảng thời gian có ánh sáng trong mỗi ngày cũng khác nhau. Vào mùa Hè, ban ngày sẽ dài hơn ban đêm, còn vào mùa Đông thì ngược lại. Hiện tượng này thể hiện rõ hơn ở những địa điểm gần hai cực của trái đất.
Con người từ xa xưa đã nhận ra được hiện tượng này. Một số xã hội, ví dụ như người La Mã cổ đại, chia thời gian trong ngày bằng cách chia đều khoảng thời gian ban ngày, và các khoảng thời gian này có thể khác nhau theo mùa. Ví dụ, với loại đồng hồ nước của họ, vào thời điểm Đông chí (giữa mùa Đông) thì mỗi giờ ban ngày chỉ kéo dài tương đương 44 phút hiện nay, trong khi vào Hạ chí (giữa mùa Hè) thì mỗi giờ kéo dài tới 75 phút
Về sau này, cách phân chia một ngày thành 24 giờ bắt đầu phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Đặc điểm của cách phân chia này là thời gian thực tế của mỗi giờ là không đổi giữa các thời điểm trong năm. Tuy nhiên, cách phân chia này sẽ khiến việc sử dụng ánh sáng ban ngày thiếu hiệu quả hơn.
Trong xã hội, thời gian làm việc hoặc học tập thường được quy định chặt chẽ, theo quy ước ngày gồm 24 giờ. Trong khi đó, hoạt động của cơ thể lại thường tuân theo sự điều khiển của ánh sáng: Thức dậy và khỏe khoắn khi trời sáng, và đi ngủ khi trời tối. Do đó, nếu như áp dụng thời gian làm việc của mùa Đông vào mùa hè, con người sẽ chỉ thức dậy khi mặt trời đã sáng được vài tiếng, làm giảm hiệu quả công việc.
Việc mọi người ngủ muộn hơn vào mùa Hè cũng sẽ khiến điện được dùng nhiều hơn để thắp sáng, gây nên sự lãng phí năng lượng. Điều này được quan tâm nhiều hơn từ nửa sau của thế kỷ trước, khi thiếu hụt năng lượng trở thành vấn đề của nhiều nước. Đó là lý do mà quy ước giờ mùa Hè được đề nghị, và còn được biết với tên chính thức là “Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (DST).
Quy ước giờ mùa hè thường được áp dụng từ khoảng thời gian cuối tháng 3 tới cuối tháng 10, tức là kéo dài hơn nửa năm. Tuy nhiên quy định thời gian áp dụng của mỗi nước là khác nhau, và không phải đất nước nào cũng áp dụng quy ước này. Ở châu Á, chỉ có một số nước áp dụng DST như Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… Việt Nam và các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không áp dụng quy ước này. Tại châu Âu, phần lớn các nước trừ Nga, Iceland và Belarus đều áp dụng quy ước giờ mùa Hè. Ở châu Mỹ, ba nước ở Bắc và Trung Mỹ (Canada, Mỹ và Mexico) cùng một vài nước ở Nam Mỹ có áp dụng DST. Ở nước Mỹ, có một số bang không áp dụng quy ước này.
Việc chỉnh đồng hồ có ảnh hưởng gì?
Chỉ qua vài ví dụ ở trên, ta có thể thấy thời gian điều chỉnh đồng hồ theo DST trên thế giới là rất đa dạng và phức tạp. Việc áp dụng quy ước này cũng đem lại nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe con người, yêu cầu quá trình điều chỉnh và cũng có nhiều bàn cãi về việc áp dụng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc điều chỉnh đồng hồ chạy sớm lên vào cuối tháng Ba gây các ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể, việc điều chỉnh thời gian sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, và có thể phải mất vài ngày để làm quen lại. Một nghiên cứu trong năm 2008 cũng cho thấy, vào tuần đầu tiên sau khi chỉnh giờ, số lượng ca bị đau tim sẽ tăng đột biến.
Du học Phần Lan cùng Trawise – Toả sáng Tương lai
✶ Form đăng ký: https://duhoctrawise.edu.vn/ve-trawise/lien-he
✶ Cập nhật thêm tin tức tại Fanpage: https://www.facebook.com/duhoctrawise.edu.vn/
✶ Địa chỉ:
Hà Nội
Phòng 302, Tầng 3, 214 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội | 0969 809 603
Hải Phòng
Số 82 đường Điện Biên Phủ, P.Minh khai, Q.Hồng Bàng, Tp.Hải Phòng | 0964 753 225
Hồ Chí Minh
Toà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 | 0866 827 189